Học cười để trị bệnh
Ở Hàn Quốc, liệu pháp tiếng cười đang được xem như một lựa chọn bổ sung giúp người bệnh phục hồi sức khỏe nhanh. Nhưng liệu pháp này có lẽ không chỉ dành cho người có bệnh.
Chị Jeon Geun Suk bị chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối vào tháng 4-2008. Tế bào ung thư đã di căn đến gan và không thể phẫu thuật. Bác sĩ nói chị chỉ còn sống được một năm. Nhưng đến nay chị vẫn sống. Ngoài hóa trị, Jeon tin rằng có một thứ cũng giúp chị sống lâu hơn: tiếng cười.
Cười một giờ, dễ chịu cả tuần
Jeon tìm hiểu về liệu pháp tiếng cười qua Internet vào tháng 8-2008 và phát hiện lớp học miễn phí ở văn phòng quận Gangnam, Seoul. Ban đầu, chị cảm thấy không thoải mái khi phải cố cười chẳng vì lý do gì cả. Rồi sau vài lần cố gắng, chị thấy mình dễ mỉm cười hơn.
Rồi chị quyết định thường xuyên tham gia chương trình chữa trị kéo dài một giờ bằng liệu pháp cười tại Đại học Quốc gia Seoul. Chị khoe: “Sau khi cười khoảng một giờ thì cả tuần tôi cảm thấy rất dễ chịu. Tháng 2-2009, tôi biết ung thư đã lan đến xương, nhưng lạ là tôi không thấy đau. Tôi tin rằng đó là vì tôi sử dụng liệu pháp cười”.
Ông Park Hwa Il, 70 tuổi, bị ung thư gan, cũng tham gia lớp liệu pháp cười. Ông khẳng định nó rất hiệu quả. “Sau khi phẫu thuật năm 2005, tôi được ra viện sớm hơn ba ngày so với lịch điều trị nhờ sự hỗ trợ của liệu pháp cười. Tôi có cảm giác có thể trải qua những đợt điều trị đau đớn dễ hơn nhờ liệu pháp này”.
Hầu hết mọi người chỉ biết và tìm hiểu về liệu pháp cười khi họ đã trở thành bệnh nhân hoặc vô tình biết đến. Ví dụ như chuyên gia trị liệu bằng tiếng cười Lee Im Seon. Ông kể: “Sau khi bị tai nạn xe hơi, tôi thường cảm thấy căng thẳng, thậm chí suy sụp. Rồi năm năm trước tôi tham gia khóa liệu pháp cười kéo dài ba ngày. Sau khi cố gắng cười, sự thể hiện tình cảm trên nét mặt và tính cách của tôi bắt đầu thay đổi”.
Đào tạo hạnh phúc
Một buổi điều trị bằng liệu pháp cười ở Viện Y tế tiếng cười Hàn Quốc bắt đầu bằng màn đồng ca bài Mamma Mia vui nhộn của ban nhạc Thụy Điển ABBA. Sau đó, giáo sư Bae Ki Hyo (Trường đại học Y Daegu) đeo cái kính ngộ nghĩnh đứng lên bục nói chuyện. Đây là một ngày điều trị đặc biệt tại Viện Y tế tiếng cười Hàn Quốc vốn được thành lập để sử dụng tính hài hước như một phương pháp phục hồi sức khỏe.
Ngày càng có nhiều chuyên gia y tế ở Hàn Quốc khai thác hiệu quả của tiếng cười vì sức khỏe và giúp con người phục hồi sức khỏe, dựa trên những kết quả nghiên cứu hàng chục năm qua trong lĩnh vực này. 500 người của Tập đoàn SK khi trả lời phỏng vấn cho biết trung bình họ cười 10 lần/ngày, 8,6 giây/lần, tức mỗi ngày cười khoảng 90 giây. So với các em bé hay cười nắc nẻ vì những điều ngộ nghĩnh thì con số này chả thấm vào đâu.
Ở Hàn Quốc, nghiên cứu tiếng cười vẫn còn ở giai đoạn ban đầu. Khái niệm chăm sóc sức khỏe qua việc “chữa trị bằng tiếng cười” hay “đào tạo hạnh phúc” đang ngày càng được người Hàn Quốc quan tâm. Han Kwang Il là một trong những người đầu tiên ở Hàn Quốc tham gia học và lấy bằng điều trị y tế bằng liệu pháp tiếng cười năm 2004. Kể từ đó, số lượng các viện đào tạo và cấp chứng nhận đã tăng lên 300. Năm 2006, Trường đại học Myongji bắt đầu khóa liệu pháp hài hước cho sinh viên sau đại học chuyên ngành giáo dục và xã hội.
Liệu pháp cười từ Mỹ
Norman Cousins (1915-1990), nhà văn Mỹ, người đề xướng cách chữa bệnh bằng tiếng cười, là một trong những người đầu tiên có những cuốn sách đề cập ảnh hưởng của tiếng cười tới cơ thể. Năm 1979, ông xuất bản cuốn sách mang tên Anatomy of an illness mô tả việc chống lại các căn bệnh nguy hiểm tới tính mạng bằng liệu pháp nụ cười.
Bản thân ông bị rất nhiều loại bệnh nhưng ông đã phát triển chương trình phục hồi sức khỏe cho chính mình, kết hợp các loại vitamin C và quan điểm sống tích cực, tình yêu, niềm tin, niềm hi vọng và tiếng cười. “Tôi phát hiện rằng mười phút cười với niềm phấn khích thật sự có ảnh hưởng giống như tôi ngủ hai giờ say sưa mà không đau đớn gì”.
KHỔNG LOAN (Theo JoongAng Ilbo)-tuoitre
Nguồn Tham Khảo