Thực trạng nha học đường

Thực trạng nha học đường

hoc-sinh-vui-choiTheo số liệu từ Viện Răng Hàm Mặt Việt Nam vừa công bố, có đến 85% trẻ em từ 6 -12 tuổi bị mắc bệnh sâu răng, trong cả nước có trên 60% trẻ em và trên 50% người lớn chưa từng được đi khám răng miệng.

Tỷ lệ đáng báo động này do các em chưa có ý thức trong việc chăm sóc răng miệng, chưa biết cách bảo vệ và phòng chống sâu răng. Chương trình Nha Học Đường tuy đã triển khai khá lâu nhưng vẫn còn chưa phủ rộng và thường xuyên tại các trường học.

Chính vì thế vẫn còn nhiều trẻ chưa được chăm sóc răng chu đáo. Việc triển khai rộng nha học đường ở Việt Nam là một yêu cầu rất cấp thiết để giúp giảm tỷ lệ trẻ em Việt Nam bị sâu răng.

Hơn 50% trường tiểu học chưa có phòng nha

Tổng kết về chương trình nha học đường năm 2007 tại TPHCM của Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM đã ghi nhận tỉ lệ sâu răng ở học sinh 12 tuổi hiện nay là 50%. Hiện nay mặc dù hầu hết phụ huynh đều ủng hộ chương trình nha học đường nhưng hoạt động tại các phòng nha cố định cũng gặp nhiều khó khăn. Dù có 90% trường có phòng nha hoặc nằm trong phòng y tế nhưng nhiều trường, phòng nha đã ngưng hoạt động. Nguyên nhân chính là thiếu kinh phí, thiếu nhân lực trong thời gian dài dẫn tới tình trạng trên. Khó có thể trang bị máy móc, thiết bị, thuốc… vì thế tình trạng nghèo nàn về trang thiết bị khá phổ biến trong nha học đường và chương trình phòng ngừa sâu răng cho trẻ không đạt kết quả cao. Hiện nay, toàn TPHCM chỉ mới có 185 trường tiểu học có phòng nha học đường, vẫn còn hơn 200 trường chưa có phòng nha, chiếm hơn 50%.

Còn tính chung về tình trạng sâu răng của trẻ em trên cả nước, tỷ lệ bệnh răng miệng ở trẻ em Việt Nam được xếp vào loại cao nhất thế giới. Ở lứa tuổi 6-8, tỉ lệ sâu răng sữa là 85%. Cứ 3 trẻ lứa tuổi 15-17 thì 2 em bị sâu răng vĩnh viễn. Thống kê từ Cục Y tế Dự phòng cũng cho thấy trên 80% học sinh tiểu học Việt Nam mắc các bệnh răng miệng như sâu răng, viêm quanh răng, ở lứa tuổi lớn hơn tỉ lệ này cũng lên đến 60-70% và đang có dấu hiệu tăng lên trong thời gian gần đây. Một trong những lý do dẫn đến tình hình kể trên là thói quen ăn đồ ăn có hàm lượng đường cao ở trẻ em và vệ sinh răng miệng kém. Điều đặc biệt là số trẻ mắc bệnh răng miệng lại cao hơn hẳn ở khu vực thành phố, đô thị, vốn được cho là nhóm trẻ được vệ sinh răng miệng tốt hơn, nhưng lại là khu vực sử dụng nhiều thức ăn ngọt như bánh kẹo các loại, đường.

Tổ chức tốt nha học đường, giảm 50 – 70% tỉ lệ sâu răng

Các bác sĩ nha khoa cho rằng, trách nhiệm lớn nhất là phụ huynh. Ở lứa tuổi cấp 1, học sinh chưa có nhiều ý thức về răng miệng, gia đình là nơi trước hết, cần phối hợp với nhà trường dạy học sinh giữ vệ sinh, chải răng, súc miệng sao cho đúng phương pháp chứ không qua quýt. Bố mẹ nên cần tập và theo dõi con đánh răng mỗi sáng, chiều, tối để hình thành trong trẻ ý thức này. Và cần hiểu đánh răng, giữ vệ sinh răng miệng cũng cần có khoa học mới hiệu quả chứ không phải làm cho có.

Tiến sĩ Ngô Đồng Khanh – Phó Chủ nhiệm Chương trình nha học đường Quốc gia cho rằng, hiện Việt Nam chưa có một chiến lược quốc gia dài hạn về nha học đường. Vì vậy, trong khi chờ đợi chiến lược dài hạn này, để tiếp tục phát triển chương trình đã phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ Nha Học Đường như nhãn hàng PS và Chương Trình Bảo Vệ Nụ Cười Việt Nam PVS để giảm bớt gánh nặng kinh phí cho nhà nước. Chương trình hợp tác này đã thực hiện trong nhiều năm và đạt được kết quả khá tốt, đã khám và chữa cho gần 3 triệu em học sinh tiểu học và mẫu giáo trên cả nước. Ngoài việc phát các bộ chăm sóc răng miệng miễn phí cho trẻ em, chương trình hợp tác Nha Học Đường này còn giúp giáo dục nha khoa và dạy học sinh có thói quen chải răng bằng kem có canxi và fluor.

Các nghiên cứu của Viện Răng Hàm Mặt cho thấy, ở những nơi tổ chức tốt chương trình nha học đường, tỉ lệ sâu răng giảm 50-70% sau 6 năm, đây là chỉ số lý tưởng quốc tế. Số trẻ bị viêm lợi cũng giảm với mức tương tự. Từ năm 2006 đến 2010, mục tiêu của Chương trình nha học đường là mỗi năm sẽ tổ chức thêm 200-300 điểm nha học đường có cán bộ chuyên trách và dụng cụ cần thiết để chăm sóc răng miệng cho từ 400.000 đến 600.000 học sinh tại trường. Sau 5 năm, có thêm 3-4 triệu trẻ em được chăm sóc phòng bệnh thường xuyên tại trường học, chiếm khoảng 70% trẻ em trong cả nước. Nội dung chương trình gồm giáo dục nha khoa cho học sinh, giáo dục kiến thức chăm sóc sức khoẻ răng miệng, khám, tư vấn và điều trị các bệnh răng miệng cơ bản, cấp phát sản phẩm chăm sóc răng miệng. Tuy nhiên, hiện phần lớn chương trình nha học đường mới chỉ dừng lại ở hai nội dung đầu tiên: giáo dục nha khoa và dạy học sinh có ý thức chăm sóc sức khoẻ răng miệng. Nhiều phòng nha thiếu trang thiết bị. Và số phụ huynh chưa có ý thức phòng bệnh răng miệng cho con hiện nay còn khá nhiều. Theo tiến sĩ Ngô Đồng Khanh, cần phối hợp như thế nào giữa nhà trường và gia đình; cần giáo dục trẻ em theo cách “phòng” quan trọng hơn “chữa”.

Qua 10 năm hoạt động, Chương trình Bảo Vệ Nụ Cười Việt Nam PVS thuộc nhãn hàng PS đã đóng góp hơn 100 tỷ đồng cho cộng đồng thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức chăm sóc răng miệng; khám chữa răng miễn phí cho trẻ em. Chương trình cũng đã cung cấp hơn 1 triệu giáo cụ giảng dạy Nha Học Đường cho hơn 2.5 triệu trẻ em tiểu học và hơn 270.000 học sinh mẫu giáo cả nước. Đoàn xe nha lưu động gồm 14 xe của PVS đã tổ chức khám chữa răng cho hơn 5 triệu trẻ em và phụ nữ tại 64 tỉnh thành trên cả nước.

(Theo_24h)

Nguồn Tham Khảo

Đăng ký để nhận Thông tin

Hãy đăng ký để nhận những thông tin và ưu đãi mới nhất từ Dr. Smile Nha Trang nhé!

Scroll to Top